Thứ Ba, 21 Tháng Ba, 2023

Xin là xin vĩnh biệt Diem: cuộc phiêu lưu vào lòng đất của đồng stablecoin đầy tham vọng

Đồng Libra/Diem có vòng đời ngắn ngủi chỉ hai năm từ khi công bố whitepaper cho đến khi tử ẹo

Vào ngày 31/01/2022, Meta (tiền thân là Facebook) đã thông báo rằng họ đang rút khỏi dự án stablecoin Diem của mình (tiền thân là Libra). Các tài sản sở hữu trí tuệ và các tài sản khác liên quan đến mạng lưới thanh toán Diem sẽ được bán lại cho Silvergate Capital Corporation, cũng đồng nghĩa là dự án stablecoin của Mark Zuckerberg và Meta sẽ đi đến hồi kết. Điều này cũng đặt dấu chấm hết cho một sáng kiến động trời được công bố vào năm 2019 hứa hẹn sẽ cung cấp một giải pháp thay thế tiền pháp định đến 2 tỷ người dùng Facebook. Sau đây chúng ta sẽ cùng nhìn lại chặng đường đi vào lòng đất đầy chông gai của đồng stablecoin này

Giai đoạn 1: phát hành whitepaper

Tin tức Facebook phát hành đồng stablecoin của riêng mình như đem đến một tia sáng cho gã khổng lồ mạng xã hội này sau nhiều lùm xùm từ cuối 2010 về các scandal quyền riêng tư cũng như việc quản lý và kiểm duyệt yếu kém

Vào ngày 18/06/2019 Facebook đã công bố whitepaper của đồng stablecoin toàn cầu đầy tham vọng dưới cái tên “Libra”. Đồng stablecoin đầy triển vọng này dự định sẽ có một Blockchain riêng và được bảo chứng bởi danh mục tài sản đa dạng (một rổ các tài khoản ngân hàng và và các trái phiếu chính phủ ngắn hạn)

Ngay từ đầu Libra đã không cố giả vờ là một đồng crypto phi tập trung, thực tế thì cơ chế quản trị của đồng coin này được thiết kế như một tập đoàn (được gọi là Hiệp hội Libra) với các tên tuổi lớn như Mastercard, PayPal, Visa, Stripe, eBay, Coinbase, Andreessen Horowitz, Uber và nhiều công ty khác. Và Facebook “dự kiến sẽ duy trì vai trò lãnh đạo”. Gã khổng lồ mạng xã hội còn muốn duy trì sức ảnh hưởng của mình bằng cách phát hành ví Calibra

Dự án được thiết kế như một công cụ thanh toán dịch vụ chứ không phải tài sản đầu cơ. Việc đúc token mới được gắn liền với quy trình mua lại từ những “người bán được ủy quyền” thuộc hiệp hội Libra

Những phản hồi đầu tiên

Bản whitepaper của Libra đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng Crypto. Nhiều leader có ảnh hưởng đã chê bai những thỏa hiệp trong bảo mật và tính phi tập trung mà Libra đã thực hiện. Ví dụ, người ủng hộ Bitcoin (BTC) Andreas Antonopoulos đã từ chối công nhận Libra là cryptocurrency vì nó không có bất kỳ đặc điểm cơ bản nào của tiền điện tử, chẳng hạn như công khai minh bạch, trung lập, chống kiểm duyệt và xuyên biên giới

Những người khác thì lại tập trung vào tác động tiềm năng của Libra đối với sự chấp nhận tiền điện tử trên toàn cầu. “Nhiều thể chế và ông lớn công nghệ đang bắt đầu nhận ra tiềm năng của cryptocurrency trong việc thay đổi cách người tiêu dùng và doanh nghiệp tương tác trên toàn cầu”. người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Tron, Justin Sun cho biết vào thời điểm đó

Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất về dự án Libra là nó có tiềm năng vượt qua cả tiền điện tử và tiền pháp định. Không phải nhờ vào ưu thế kỹ thuật hay thiết kế của nó mà là nhờ vào 2 tỷ người dùng Facebook

Như Ross Buckley, một chuyên gia kinh tế kỹ thuật số và là giáo sư tại Đại học New South Wales, đã cảnh báo trong bài báo của mình, “Libra có lẽ sẽ là ví dụ điển hình về một thứ ‘quá nhỏ để quan tâm’ chuyển mình thành một thể chế ‘quá lớn để có thể sụp đổ’ trong một khoảng thời gian rất ngắn […] trở thành một đồng tiền thay thế”. Buckley không phải là người duy nhất lo sợ về viễn cảnh này – Sức mạnh cộng đồng to lớn đã định trước là Libra sẽ phải chịu áp lực pháp lý khổng lồ từ các cơ quan quản lý

Giai đoạn 2: trở ngại pháp lý

Thượng viện Hoa Kỳ đã mất chưa đầy một tháng để yêu cầu người đồng sáng lập Libra, David Marcus ra điều trần tại một phiên tòa đặc biệt, nơi giám đốc điều hành Facebook đã được “tiếp đãi nồng nhiệt”. Đáng chú ý, không chỉ Thượng nghị sĩ Sherrod Brown mà cả đối thủ truyền kiếp của ông, Thượng nghị sĩ Pat Toomey, cũng đã dội bom Marcus bằng những câu hỏi hóc búa (mặc dù Toomey cũng kêu gọi đừng “bóp chết dự án từ trong trứng nước”). Đồng tiền riêng của Facebook cũng chưa tai qua nạn khỏi khi tổng thống lúc bấy giờ là Donald Trump đã phản ứng theo cách đặc trưng của mình:

Nếu Facebook và các công ty khác muốn trở thành ngân hàng, thì họ phải hiểu rõ và tuân theo tất cả các quy định về ngân hàng, giống như mọi ngân hàng khác từ trong nước cho đến quốc tế

Những trở ngại pháp lý đã không chỉ dừng lại trên đất Mỹ. Vào tháng 09/2019, bộ trưởng bộ tài chính Pháp Bruno Le Maire đã tuyên bố rằng đất nước ông và toàn bộ phần còn lại của Châu Âu sẽ không chấp nhận dự án mới của Facebook vì “sức mạnh đồng tiền quốc gia đang bị đe dọa”. Vài tuần sau, Ngân hàng Trung ương Anh đưa ra cảnh báo rằng để Libra trở nên hợp pháp ở Vương quốc Anh, nó sẽ phải đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn cần thiết về quy trình pháp lý của ngân hàng truyền thống

Họa vô đơn chí sau những tuyên bố này khi các thành viên sáng lập của Hiệp hội Libra nối tiếp nhau rời bỏ dự án. Với việc các công ty như PayPal, Visa, Mastercard, eBay và Mercado Pago từ bỏ dự án, hình ảnh của Libra đã chịu ảnh hưởng lớn

Nhưng hồi đó, người phát ngôn của Facebook đã nói giảm đi tính nghiêm trọng của những sự kiện này, Markus đã viết trên Twitter: “Tất nhiên đây chẳng phải là tin tốt lành gì trong ngắn hạn, nhưng theo một cách nào đó thì nó sẽ tốt cho dự án. Không thể xoay chuyển càn khôn trong một sớm một chiều, và bạn biết là bạn đang đi đúng hướng khi trở ngại cứ liên tục ập đến”

Đến tháng 10 năm 2019, năm quốc gia châu Âu là Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm không chính thức để ngăn chặn việc ra mắt của Libra ở châu Âu. Áp lực tăng lên đến mức Giám đốc điều hành của ngân hàng lớn nhất Hà Lan, Ralph Hamers, công khai bình luận về khả năng cắt đứt bất kỳ hoạt động nào với Facebook

Giai đoạn 3: dụng kế ve sầu thoát xác nhưng bất thành

Đáp lại những áp lực pháp lý này, tháng 04/2020 Facebook đã phát hành “Libra 2.0”. Bản whitepaper mới có 4 điểm thay đổi quan trọng để “giải quyết các quan ngại về pháp lý”, trong đó đáng chú ý nhất là việc chuyển từ một đồng stablecoin duy nhất sang danh mục đa dạng các đồng stablecoin, mỗi đồng sẽ được bảo chứng bởi một loại tiền pháp định tương ứng (ví dụ như đô la Mỹ, euro và bảng Anh)

Như Brieanna Nicker từ Học viện Brookings đã viết vào thời điểm đó, “đây có thể được xem như một tham vọng ‘biết lượng sức mình’ hơn của Facebook, vì giờ đây nó khá giống với Paypal nhưng có xương sống công nghệ khác với đối thủ cạnh tranh của mình và các loại tiền pháp định khác”. Bên cạnh những thay đổi khác như thắt chặt khuôn khổ quy trình tuân thủ pháp lý cũng như quá trình chuyển đổi từ một blockchain được quản lý thành một blockchain tự trị trong vòng 5 năm

Vào ngày 1 tháng 12 năm 2020, Facebook đã bổ sung các điều chỉnh kỹ thuật bằng một sự thay đổi thương hiệu: Libra trở thành Diem và ví Calibra đổi tên thành ví Novi. Theo tuyên bố của công ty, sự chuyển đổi này sẽ mở ra “một chương mới cho dự án”. Việc đổi tên được thực hiện chỉ một tuần sau khi dự án tiết lộ kế hoạch tung ra đồng stablecoin đầu tiên được bảo chứng bằng USD

Vào thời điểm đó, phiên bản thứ hai của dự án vẫn bị G7 chính thức phản đối. Olaf Scholz, thủ tướng liên bang hiện tại của Đức, người khi đó đang giữ chức bộ trưởng tài chính, gọi Diem là “một con sói đội lốt cừu”, nói rằng việc thay tên đổi họ này không thuyết phục được các nhà lập pháp

Họa vô đơn chí

Năm 2021 cũng không mang đến tin tốt cho Diem. Khi sự ra mắt được mong đợi từ lâu lại bị trì hoãn một lần nữa (vào thời điểm đó, Cơ quan Giám sát Thị trường Tài chính của Thụy Sĩ vẫn chưa cấp giấy phép thanh toán cho Hiệp hội Diem có trụ sở tại Thụy Sĩ), vào ngày 23 tháng 2, Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã yêu cầu được cấp quyền phủ quyết từ các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu để đơn phương chặn bất kỳ dự án stablecoin tư nhân nào nếu cần thiết

Vào tháng 9 năm 2021, The Washington Post đã đưa tin về những nỗ lực không ngừng của ban lãnh đạo Facebook nhằm đạt được một số thỏa hiệp với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ. Nhưng dường như, các cuộc đàm phán đã bị đình trệ, khi Marcus nói lẫy rằng Diem “đã giải quyết mọi quan ngại chính đáng” của các nhà lập pháp

Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Maxine Waters, đã phản pháo lại rằng việc đổi thương hiệu không liên quan gì đến việc giải quyết các mối quan ngại về quyền riêng tư, an ninh quốc gia, bảo vệ người tiêu dùng và chính sách tiền tệ. Thành viên chủ chốt của Đảng Cộng hòa trong cùng ủy ban, Đại diện Warren Davidson, đã thuật lại một cách mỉa mai bài đăng trên blog của Marcus:

Tôi không chắc Facebook và Hiệp hội Diem có thể giải quyết ‘mọi mối quan ngại chính đáng’ như thế nào trong khi vẫn còn nhiều sự mập mờ về pháp lý vẫn còn đang bao trùm lên nhiều khía cạnh của không gian tiền điện tử

Tia hy vọng cuối cùng cũng được thắp lên khi nhờ mối quan hệ hợp tác với Binance mà cuối cùng Facebook cũng thành công tung ra phiên bản thử nghiệm của ví điện tử Novi – một mảnh ghép quan trọng trong kế hoạch phát triển hệ sinh thái Diem. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi ít lâu sau đó một nhóm năm thượng nghị sĩ viết một lá thư chung cho Zuckerberg với yêu cầu dứt khoát là “ngừng ngay lập tức” dự án Diem. Hiệp hội Diem đối phó bằng cách cố tách mình ra khỏi Facebook

Vào ngày 01/12/2021, người đứng đầu chính thức của Novi và gương mặt đại diện cho dự án Meta/Diem là Markus đã tuyên bố từ chức. Markus cùng với hai đồng sáng lập của Diem là Morgan Beller và Kevin Weil là những nhân vật quan trọng trong mảng tiền điện tử của Facebook rời đi trong năm 2021. Ông đã làm việc tại Facebook từ năm 2014 và không tiết lộ chi tiết về lý do dẫn đến quyết định từ chức của mình, nhưng với sự mất mát này thì thật khó để mong đợi điều gì tốt đẹp sẽ đến với Diem trong năm 2022

Liệu đây có phải là dấu chấm hết cho Diem?

Phát biểu với Cointelegraph ngay sau tin tức về việc Facebook chia tay với Diem, Buckley, người đã thấy trước phản ứng của các cơ quan quản lý đối với dự án vào năm 2019, đã chia sẻ nhận định của mình rằng đây thực sự là hồi kết cho Diem: “Tôi sẽ thực sự ngạc nhiên nếu nó sống sót. Đây là một dự án được thiết kế để hưởng lợi từ quy mô người dùng và phạm vi tiếp cận của Facebook, thiếu đi Facebook thì chặng đường sắp tới của Diem sẽ muôn phần khó khăn”

Buckley tin rằng Facebook đã “mắc sai lầm trầm trọng trong cách đưa thông tin” và đã vung tay quá trán khi chủ quan vào vị thế của mình là một trong những gã khổng lồ công nghệ lớn nhất thế giới. Hệ quả tất yếu là nó đã không được lòng các nhà lập pháp trên toàn cầu, khi một đồng tiền điện tử với hơn 2 tỷ người dùng đã vượt quá phạm vi của một công ty mạng xã hội.

“Facebook đã áp dụng cách tiếp cận ‘tiền trảm hậu tấu’ điển hình của các công ty công nghệ thay vì xin cấp phép đầy đủ ngay từ đầu. Cách này có thể hiệu quả với ngành viễn thông […] nhưng các nhà quản lý trong ngành tài chính thường muốn được tôn trọng, cũng như chính phủ các quốc gia muốn sức mạnh đồng tiền pháp định của họ được bảo toàn. Phản ứng gay gắt này một phần là do các cơ quan lập pháp cũng như các chính phủ biết tin thông qua các phương tiện truyền thông chứ không phải trực tiếp và đầy đủ từ Facebook”

Ngoài sự phách lối của Zuckerberg đã góp phần vào sự sụp đổ của Libra/Diem, thì case study này còn gợi ý về một điều đáng báo động hơn. Dự án của Facebook về một loại tiền điện tử đầu tiên trên thế giới có tiềm năng được chấp nhận rộng rãi ngay lập tức đã gây ra sự phản đối dồn dập và có phối hợp từ các cơ quan quản lý

Điều đó có nghĩa là chúng ta có thể sẽ thấy một phản ứng không kém phần dồn dập và gay gắt nếu bất kỳ loại tiền kỹ thuật số nào khác đạt được tiềm năng chấp nhận rộng rãi của Diem. Như Buckley đã nói, “Trong nhiều thế kỷ thì khả năng in tiền của quốc gia đã luôn là yếu tố cốt lõi thể hiện mức độ tín nhiệm của quốc gia đó.” Và khả năng in tiền sẽ được các quốc gia bảo vệ bất chấp. Hy vọng rằng, case study của Diem sẽ là một lời nhắc nhở cho các dự án sau này rằng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của các cuộc đàm phán pháp lý

Avatar photo
Minh Phương
Researcher at SunCrypto

Tin liên quan

Hướng Dẫn Nhận Quỹ MFF Cho Trader

0
Đầu tiên mình sẽ nói đôi lời trước khi vào vấn đề chính, như các bạn hiểu quỹ ở đây là các bạn sẽ...

Fight of The Ages hướng đến mục tiêu trở thành game crypto MR mà...

0
Khởi điểm từ đầu năm 2022, thế giới tiền điện tử vẫn đang trên đà phát triển trên mọi khía cạnh, các dự án...

Fight Of The Ages (FOTA): Giới thiệu tổng quan về game

0
FOTA là gì? FOTA là Dự án game MOBA Triple-A ưu tiên trải nghiệm của người chơi trong Metaverse. Để làm như vậy, FOTA kết...
Ondo Finance (ONDO) - thổi hồn DeFi vào tài chính truyền thống

Hướng dẫn mua IDO Ondo Finance (ONDO) trên Coinlist

0
Tổng quan về Ondo Finance Giao thức Ondo Finance (ONDO) là một ngân hàng đầu tư có tính mở và phi tập trung. Ondo Finance...

Hướng dẫn đăng ký giao dịch bằng AI Trade

0
1.Giới thiệu về AI Trade : Mình đã từng nói với cộng đồng chúng ta rằng, mình đang thực hiện một dự án tâm...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Theo dõi chúng tôi tại

310Thành viênThích
246Người theo dõiTheo dõi
10,900Người theo dõiĐăng Ký

Tin mới nhất